Bệnh mới nổi – thách thức của ngành y

- 9 lượt xem - Tin tức

 

Theo WHO, bệnh mới nổi là bệnh mới xuất hiện lần đầu hoặc có thể đã tồn tại trước đó nhưng tăng nhanh về số mắc hoặc khu vực địa lý. Trong đó một số bệnh như bò điên, HIV/AIDS, SARS, đại dịch cúm A (H5N1), cúm A (H1N1), tiêu chảy tán huyết do E.coli, sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng (TCM) được xem là bệnh mới nổi với số ca mắc tăng cao và xảy ra tại nhiều quốc gia. Bên cạnh đó, một số bệnh mới phát sinh, chưa rõ nguyên nhân cũng được WHO ghi nhận như hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân, hội chứng suy giảm miễn dịch không phải do lây nhiễm HIV/AIDS.
Những bệnh này đang là thách thức lớn đối với các nhà khoa học và ảnh hưởng lớn đối với sức khỏe người dân.
GS.TS Nguyễn Trần Hiển – Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết: tại Việt Nam 10 năm qua đã giữ vững được các thành quả loại trừ bệnh bại liệt, uốn ván sơ sinh. Tỷ lệ tử vong do các bệnh có thể dự phòng bằng vắc xin giảm dần. Tuy nhiên tỷ lệ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp không có vắc xin như quai bị, cúm, sởi, thủy đậu còn cao và thường xuất hiện theo chu kỳ. Một số bệnh nhiễm trùng đã được khống chế hiện nay xuất hiện trở lại như tả, sởi, SXH do virus Dengue, nhiễm khuẩn liên cầu lợn, dại và bệnh TCM. Đặc biệt các bệnh mới nổi trong 10 năm qua gồm SARS, cúm gia cầm và đại dịch cúm A/H1N1. Nguyên nhân để các bệnh truyền nhiễm mới nổi xuất hiện có rất nhiều và đan xen lẫn nhau, đồng thời là vấn đề thời sự đang làm đau đầu các chuyên gia dịch tễ học. Theo họ 5 bệnh truyền nhiễm cần được quan tâm đặc biệt là bệnh TCM, sốt Dengue/SXH Dengue, tả, cúm A H5N1 và cúm A H1N1.
Tại Hội nghị này, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: Việt Nam đã sản xuất thành công vắc xin H5N1, đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Vắc xin H1N1 nghiên cứu sản xuất trên quy mô phòng thí nghiệm. Vắc xin SXH Dengue đang thử nghiệm ở giai đoạn 3, hy vọng đến năm 2015 sẽ có.
Trả lời câu hỏi: "Ngành Y tế Việt Nam phải làm thế nào để giải quyết tình trạng trên? TS Takeshi Kasai – Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam chia sẻ: Việt Nam cần nâng cấp hệ thống chăm sóc sức khỏe (CSSK) của mình để đáp ứng nhu cầu của dân số đang thay đổi và tìm kiếm sự chăm sóc y tế lâu dài. Ngoài việc giải quyết các bệnh truyền nhiễm, Việt Nam giờ phải tập trung nguồn lực nhiều hơn nữa vào việc ngăn ngừa các bệnh không truyền nhiễm và chăm sóc cho một dân số đang nhanh chóng già đi. Các biện pháp can thiệp dự phòng như chống hút thuốc lá, các chiến dịch về lối sống lành mạnh và chương trình cho người cao tuổi cần phải được duy trì để ngăn ngừa gánh nặng của bệnh tật. Ngoài ra Chính phủ Việt Nam nên dành ít nhất 5% GDP cho chăm sóc y tế. Bằng cách tăng chi phí công cho y tế thông qua thu ngân sách Nhà nước và bảo hiểm y tế, Việt Nam có thể giúp giảm bớt gánh nặng tài chính về CSSK cá nhân và gia đình, tránh tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng đang lớn dần, đặc biệt trong các nhóm dân số nghèo nhất của xã hội. Việc cung cấp dịch vụ y tế và phối hợp chăm sóc y tế ở tất cả các cấp cần phải được tăng cường để giải quyết gánh nặng thường xuyên về CSSK bà mẹ trẻ em và các bệnh truyền nhiễm. Các mối đe dọa liên tục của H5N1, sốt rét, SXH, lao và HIV/AIDS đòi hỏi Việt Nam phải có một hệ thống y tế đầy đủ chức năng và có khả năng đáp ứng.
Back To Top