Bệnh tay chân miệng lại tăng

- 12 lượt xem - Tin tức

 

Trong khoảng 2 tuần qua, số lượng bệnh nhi tay chân miệng độ 1 và 2A bất ngờ tăng ở TPHCM. Nghi ngờ nguyên nhân gây bệnh là chủng Coxsackievirus A16 chứ không phải EV71.

Ở một số khu vực thuộc phường 4, quận 8, người dân tỏ ra lo lắng khi trong thời gian ngắn xuất hiện nhiều ca mắc bệnh tay chân miệng và đều là trẻ trong độ tuổi mẫu giáo. Theo bác sĩ Đặng Thế Hệ, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận 8, trung tâm cũng đã nắm rõ việc số ca mắc bệnh tay chân miệng tăng trong thời gian gần đây và đang thực hiện đợt cao điểm phòng chống dịch. Trong đó, tập trung mạnh vào khu vực trường học vì đang bước vào năm học mới.

"Đây là địa phương đông người lao động nhập cư nên việc quản lý bệnh nhân khá khó khăn. Hiện chúng tôi đang đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn vệ sinh phòng bệnh, khử khuẩn tại cả trường học và khu vực dân cư" – bác sĩ Hệ cho biết.

Tăng mạnh ở nhóm bệnh nhẹ

Theo TS.BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, số lượng bệnh nhi tay chân miệng tăng mạnh (gần 400 ca/tuần trên toàn TP, tương đương với cùng kỳ năm 2011), đặc biệt là tại các quận 6, 8, Bình Tân, Thủ Đức và 2 huyện Bình Chánh, Hóc Môn. Đây là những địa phương có điều kiện cảnh quan môi trường phức tạp, đông người lao động nghèo nhập cư. "Vào thời điểm nhập học của các năm trước, số ca mắc bệnh tay chân miệng đều tăng. Một trong những nguyên nhân là do các em mang mầm bệnh từ cộng đồng vào môi trường học đường và lây cho nhau"- ông Siêu giải thích.

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, số lượng bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng đến điều trị cũng tăng đáng kể trong 2 tuần qua. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm của bệnh viện, cho biết: "Trung bình các ngày, số bệnh nhi nằm điều trị tại khoa khoảng từ 90 đến 120 ca. Tuy nhiên, chủ yếu các ca chỉ mắc bệnh nhẹ và độ 2A là nhiều nhất. Tỉ lệ bệnh nhi bệnh nặng chỉ còn 3-5% trong khi năm 2011 là 10%". Bệnh nhi tay chân miệng tập trung điều trị chủ yếu ở Khoa Nhiễm nên gây quá tải trong khi Khoa Hồi sức tích cực – chống độc (nơi thường điều trị cho các trẻ nặng độ 3, 4 hoặc gặp biến chứng…) thì chỉ có vài bệnh nhi nằm điều trị mỗi ngày.

Ông Siêu còn nói rõ hơn là các bệnh nhi tay chân miệng chủ yếu mắc ở độ 1 và 2A là những mức độ nhẹ, không nguy hiểm. Lượng bệnh nhân tử vong cũng giảm mạnh so với năm 2011. Cùng thời điểm này năm 2011, toàn TP có đến 24 ca tử vong nhưng từ đầu năm đến nay chỉ có 6 ca.

Nghi không phải EV71

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực – chống độc Bệnh viện Nhi Đồng 1, thời gian gần đây tại bệnh viện cũng như các phòng khám bên ngoài, ông và các đồng nghiệp thường gặp bệnh nhi tay chân miệng có biểu hiện nổi hồng ban kèm nhiều mụn nước dày đặc khắp cơ thể, đặc biệt là lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông… Tuy biểu hiện về da có vẻ nặng nhưng bệnh lại ở mức độ nhẹ.

"Chúng tôi nghi ngờ rằng các trẻ mắc bệnh tay chân miệng trong đợt dịch này bị gây bệnh bởi chủng Coxsackievirus A16 chứ không phải EV71. EV71 thường gây nổi hồng ban ít hơn và cũng rất ít mụn nước nhưng lại gây bệnh nặng và dễ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Coxsackievirus A16 có đặc điểm là gây các tổn thương da như trên, được biểu hiện rất rõ nhưng ít gây tử vong dù bệnh nặng hơn"- bác sĩ Tiến phân tích.

Theo thống kê của ngành y tế, từ đầu năm đến nay toàn quốc có hơn 830.000 ca mắc bệnh tay chân miệng với 34 ca tử vong (cả năm 2011 có 110.000 ca mắc và 169 ca tử vong). Con số này khá phù hợp với nghi ngờ nhiều bệnh nhi tay chân miệng hiện nay là do Coxsackievirus A16. Bác sĩ Tiến cho biết thêm: "Đối với Coxsackievirus A16, điều cần lưu ý nhất khi chăm sóc trẻ là tránh không làm vỡ các mụn nước trên da, bởi các mụn nước này chứa rất nhiều virus, nếu vỡ ra sẽ rất dễ lây bệnh cho trẻ khác".

Back To Top