Vậy là chỉ còn vài chục tiếng đồng hồ nữa là đến ngày 22/12, ngày tết lần thứ 69 của quân đội nhân dân việt nam, một lực lượng không đông, vũ khí trang bị chưa phải là hiện đại nhưng đã khiến kẻ thù khiếp sợ, đã mang lại ánh hào quang, độc lập tự do không phải chỉ riêng dân tộc Việt Nam- Lòng quyết tâm, tinh thần quả cảm, những chiến công oanh liệt của các anh đã khiến triệu triệu con tim trên khắp thế giới phải rung động. Hôm nay chiến tranh đã tạm lùi xa vào quá khứ, chúng tôi những người may mắn được sinh ra khi không còn cảnh bom rơi đạn lạc và lớn lên trong hòa bình, hàng ngày khi ra đường hình ảnh anh bộ đội không còn huyền ảo như ngày nào, nhiều người trong chúng tôi có những suy nghĩ, hành động bất nhã với các anh… tuy nhiên các anh vẫn oai vệ vẫn vị tha như truyền thống đã có hàng trăm năm nay vì các anh là những người con do các bà mẹ Việt Nam sinh ra…có một người lính đã viết:
Chân đi dép bốn hai vẫn thừa nǎm ngón
Nhịn đói không kêu
Nhịn khát không kêu
Thiếu ngủ không kêu
Hành quân bốn tháng trời không kêu
Nhớ mẹ quá thì ngồi trên đá
Có lúc khóc không cho ai biết
Trốn ra sông vầy nước
Vẽ lên cát hình thù dãy núi quê hương
Vẽ lên cát mái trường phố huyện
Vẽ lên cát nhà sàn thoáng rộng
Vẽ lên cát người con gái cao cao
Vẽ lên cát thằng bạn đen đen
Vẽ lên cát con nai bú mẹ
Chỉ có cát mới hiểu được lời tôi vẽ
Cát ấm lên tươi tốt dưới nắng vàng
Một con chuồn khớp chớp bay sang
Một chú kiến re re chạy tới
Một cọng cỏ bình yên mát rượi
Ngón tay mềm tôi vuốt tôi thương.
Người lính là như thế , với kẻ thù các anh là mãnh thú nhưng với cuộc sông đời thường các anh lại mềm yếu đến đáng thương, các anh khóc nhưng không có nước mắt, chỉ có những người có trái tim đồng cảm với người lính mới biết là các anh đang khóc mà thôi, ngày truyền thống của các anh sắp đến và sẽ qua đi, tết cổ truyền cũng chỉ còn hơn một tháng nữa, phần lớn các anh sẽ lại …"Con biết xuân này mẹ chờ em chông, khi pháo giao thừa nổ giòn nơi nơi… trông bánh trưng chờ trời sáng… xuân này con không về…Vâng! các anh lại không về, lại một mùa xuân nữa nơi quê nhà biết bao bà mẹ cô quạnh, đau đáu nhớ con, biết bao đứa trẻ thơ đỏ mắt đợi cha, đợi anh, và biết bao nhiêu thiếu phụ chăn đơn, gối chiếc lạnh lẽo chờ chồng- Sự hy sinh vĩ đại của các anh trong chiến tranh đã được nhiều nhà thơ nhà văn xúc động ghi lại, khi ngồi bên bờ Thạch Hãn, một dòng sông in đậm những chiến công oanh liệt, tuổi đôi mươi của các anh nhà thơ Lê Bá Dương đã viết:
Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm.
Vâng ! Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ- đó là lời thỉnh cầu của người cựu chiến binh đối với những ai đi lại trên dòng sông Thạch Hãn nói riêng và các dòng sông trên đất nước Việt Nam đầy ắp đau thương nói chung, dưới ấy còn biết bao nhiêu người con đất Việt như thế nữa?. Dưới đáy sông các bạn tôi đang yên nghỉ, Hãy để cho họ được ngủ yên! lời thỉnh cầu của người lính già đã khiến bao nhiêu con tim nhân hậu phải bật khóc! Trên đất nước Việt Nam này còn bao nhiêu con sông như thế? Và còn bao nhiêu người lính đang bị chôn vùi dưới ấy, chúng ta những người đang sống đừng bao giờ quên và đặc biệt đừng để những thói hư tật sấu, tính ích kỷ sự tham lam trà đạp lên sự hy sinh cao cả ấy! Vâng, tuổi hai mươi của các anh đã trở thành sóng nước. Dòng sông thực dường như không thấy nữa. Chúng ta thấy một dòng sông tâm linh của tuổi trẻ, của tình yêu bất diệt đang chảy hiền hòa, đang vỗ về những người mẹ, người cha, người vợ ngày đêm trông ngóng. Chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ, nỗi đau, sự mất mát phần nào cũng đã nguôi ngoai- Trong lần đến thăm Việt Nam năm 2002 tại trường đại học Quốc gia Hà Nội người đứng đầu nước Mỹ đã phải thốt lên rằng …” với tứ cách là người đứng đầu nước Mỹ tôi không giám khuyên các bạn trẻ quên đi quá khứ, vì trong quá khứ người Mỹ đã gây ra quá nhiều đau khổ cho người Việt Nam, tôi chỉ dám đề nghị với các bạn rằng: Chúng ta cùng nhau khép lại quá khứ để hướng tới tương lai…” Vâng khép lại quá khứ thì ai cũng muốn nhưng liệu có khép được không , hơn 30 năm đã qua đi nhưng những hình ảnh …
Chị ơi!…
Chỉ gọi được thế thôi
Anh chiến sĩ đưa đường bỗng thấy nghẹn lời
Không làm sao anh còn nói nổi:
Chị đặt hoa nhầm rồi
Mộ anh ấy ở bên tay trái
Chỉ có một vòng hoa chị mang từ quê lại
Hoa viếng mộ bên này đã có chúng tôi!
– Chị hiểu ý em rồi!
Xin cho chị đặt hoa bên ngôi đó
ở cánh rừng này chỉ có hai nấm mộ
Viếng hồn anh, có chị đến đây rồi!
Nỗi đau của sự mất mát, tiếng khóc của những bà mẹ những người vợ đã ăn sâu vào tâm khảm mỗi người Việt chúng ta- nỗi đau đã song hành đã nhào luyện và hòa quện để tạo ra sức mạnh tạo ra sự sự lẫm liệt của các anh. Các anh hy sinh trong chiến tranh để đổi lấy hòa bình nhưng ngay cả khi có hòa bình thì các anh vẫn đang thầm lặng hy sinh, con tôi mỗi buổi chiều tan học thường đứng ở cổng trường đợi cha, còn con của các anh một năm mấy lần được như thế? Mẹ tôi mỗi khi trái gió trở trời đã có tôi bên cạnh còn mẹ của các anh ? có một người vợ bộ đội tâm sự rằng cả một đời lấy nhau chị chưa một lần được…giận chồng vì thời gian ở bên nhau có được bao nhiêu đâu! Thay mặt những người dân đất Việt những người đang thu hưởng những thành quả được lấy ra từ máu xương từ lòng quả cảm từ tuổi thanh xuân của những người lính cho phép chúng tôi được bày tỏ lòng biết ơn và sự thành kính đến tất cả các anh những người lính trong lịch sử trong hiện tại và cả trong tương lai- kính chúc các anh luôn mạnh khỏe, sức khỏe của các anh là sức mạnh của Quân Đội, sức mạnh của quân đội chính là sự bình an của chúng tôi, các anh hãy vững tay súng trên trận tuyến bảo vệ tổ quốc, ở hậu phương chúng tôi tập thể thầy thuốc của BVHV nguyện đem hết sức mình để cùng các anh vun đắp, xây dựng một xã hội bình đẳng văn minh hơn…./.