Nhồi máu não và nghiệm pháp tiêu sợi huyết.

- 18 lượt xem - Tin tức

Trường hợp bệnh nhân N. V. T 66 tuổi, địa chỉ: Đoan Hùng – Phú Thọ bị nhồi máu não cấp đã được các bác sỹ khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện đa khoa Hùng Vương cấp cứu và điều trị kịp thời bằng nghiệm pháp tiêu sợi huyết.

Ngày 07/07/2018 bệnh nhân vào viện trong tình trạng mất nói, méo miệng, liệt nửa người phải, liệt hầu họng, nuốt sặc, bệnh nhân lơ mơ Glasgow 13 điểm (người bình thường: 15 điểm), huyết áp: 160/100 mmHg, mạch 90 lần /phút. Bệnh nhân được chỉ định chụp CT ngay lập tức, kết quả cho thấy hình ảnh ổ nhồi máu vị trí cầu não lệch phải.

NGUYỄN VĂN TRIỆU
Kết quả chụp CT đa dãy sọ não bệnh nhân khi vào viện.

Các bác sỹ hội chẩn nhanh chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu não theo dõi trong 1 giờ đầu, chỉ định áp dụng nghiệm pháp tiêu sợi huyết cấp cứu.

Theo người nhà bệnh nhân cho biết: 30 phút trước khi vào viện, bệnh nhân đột ngột xuất hiện méo miệng, lơ mơ, giảm ý thức, gọi hỏi đáp ứng chậm, chân tay bên phải yếu dần, gia đình nhanh chóng đưa bệnh nhân vào bệnh viện đa khoa Hùng Vương cấp cứu. Trước đây, bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp nhưng không điều trị liên tục và chưa nhập viện điều trị lần nào.

Theo bác sỹ trực tiếp điều trị cho biết: điều trị nhồi máu não trong 4 giờ đầu là một cấp cứu tối khẩn cấp, nếu bệnh nhân này không được điều trị bằng nghiệm pháp tiêu sợi huyết: khả năng nhiều sẽ để lại di chứng nặng nề như rối loạn ngôn ngữ, rối loạn nuốt, liệt nửa người bên phải, …Hiện tại sau đợt điều trị tích cực tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định và có thể ra viện. Tuy nhiên, sau khi ra viện gia đình cần phối hợp thực hiện đúng theo các hướng dẫn cụ thể của bác sỹ về chế độ ăn uống, tập luyện phục hồi chức năng cho bệnh nhân.

Bác sỹ cho biết thêm: Bệnh viện thường xuyên tiếp nhận và điều trị bệnh nhân nhập viện do nhồi máu não tuy nhiên hầu hết bệnh nhân lại đến bệnh viện muộn sau thời gian vàng (trong 4 giờ đầu) nên không thể áp dụng được kỹ thuật tiêu sợi huyết. Dù được cấp cứu và điều trị tích cực nhưng không thể hồi phục hoàn toàn, vẫn để lại di chứng nặng nề cho người bệnh và gánh nặng cho gia đình.

Khi người thân đột ngột có những dấu hiệu:

 1. Mặt: lệch so với trước, biểu hiện rõ khi cười nói.

 2. Tay: vụng về khi vận động, yếu nửa người.

 3. Nói: khó khăn, phát âm không chuẩn so với trước.

 4. Dần mất ý thức, lơ mơ.

Gia đình phải đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất  để được các bác sỹ chẩn đoán và điều trị kịp thời trong thời gian ngắn nhất. Với các trường hợp này thời gian quý hơn vàng, mỗi phút trôi qua, khả năng phục hồi của não sẽ giảm đi. Gia đình tuyệt đối không nên mất thời gian chờ người bệnh tự phục hồi hay sử dụng các phương pháp dân gian truyền miệng để điều trị tại nhà bởi điều đó đã vô tình kéo dài thời gian và đánh mất cơ hội sống của chính người bệnh.

 

 

 

Back To Top