Bệnh viện không quá tải

- 44 lượt xem - Tin tức

Một bác cao tuổi rút thẻ thương binh la lối om sòm đòi ưu tiên siêu âm ngay lập tức. Trong phòng làm việc có 2 máy siêu âm chạy hết công suất, ngoài 2 bệnh nhân nằm trên giường, đứng chờ sẵn còn có một bà mẹ bế cháu bé khóc thét, một bà cụ già uể oải ôm bụng, một phụ nữ bơ phờ mệt mỏi đã mở sẵn khóa quần và cúc áo…

Để bớt căng thẳng, cô nhân viên hành chính vận động tất cả bệnh nhân nhường cho bác thương binh. Thấy thẻ BHYT của bác trái tuyến, kết quả siêu âm lại bình thường nên tôi tò mò. Theo chân bác ra ngoài, tôi hỏi cách bác chuyển thẻ BHYT. Bác hào hứng kể: “Tôi bị tiểu đường và cao huyết áp, bác sĩ khẳng định chữa được nên giữ lại. Tôi làm um lên, dọa nếu bệnh tiểu đường và huyết áp của tôi mà không đỡ, thì anh ta mất việc. Thế là anh ta viết ngay giấy chuyển viện”…

Cuộc gặp gỡ làm tôi suy nghĩ rất nhiều. Hầu hết bệnh viện tuyến cơ sở mà tôi từng biết được đầu tư khá tốt cho hạ tầng, trang thiết bị đạt chuẩn căn bản, đảm bảo tất cả người dân đều được chăm sóc y tế. Vậy tại sao bệnh nhân lại không sử dụng? 

Trả lời cho câu hỏi ấy chính là 7 học viên mà tôi đang hướng dẫn. Tất cả đều tốt nghiệp loại khá hệ đại học chính quy, đã có thâm niên công tác, nhưng khi hỏi đến kiến thức chuyên sâu theo đúng chuyên môn, thì cả 7 người đều bối rối. 

Nghề y học xong 6 năm đại học, mới chỉ đủ xóa mù kiến thức y khoa, chưa thể thực hành trên người bệnh. Vào bệnh viện, họ sẽ học kinh nghiệm từ các đàn anh đi trước để hành nghề. Với cách thức như thế, cùng chính sách phân tuyến điều trị kéo dài trong nhiều năm, thì dù có tốt nghiệp loại khá giỏi, nếu công tác ở bệnh viện huyện đến hết đời cũng chỉ mổ được viêm ruột thừa, bệnh viện tỉnh có khá hơn nhưng cũng vẫn chỉ dừng ở những kỹ thuật đơn giản. 

Y tế có một nguyên lý cơ bản: Bệnh nhân là tất cả. Sự phát triển của khoa học công nghệ đã tạo nên những phương pháp điều trị khác nhau. Người bệnh có quyền truy cập những cơ sở y tế có phương pháp điều trị tốt, họ cũng ngày càng hiểu biết nên càng có cơ hội kiểm soát những phương pháp điều trị. Con người khi mắc bệnh thì tiền sẽ không phải là vấn đề, nên họ sẽ tìm đến bệnh viện đang triển khai kỹ thuật tốt nhất để khám và điều trị.

Mô hình y tế của chúng ta, do đang có khoảng cách chuyên môn quá xa giữa 3 tuyến (huyện – tỉnh – trung ương), nên bệnh nhân tự khắc tạo thành một dòng chảy, mà khởi đầu là y tế tuyến huyện, dồn qua tuyến tỉnh để về tuyến trung ương. Những điều bất cập và phi lý cũng theo cái dòng chảy một chiều ấy mà xuất hiện. Ở các quốc gia phát triển, dòng chảy bệnh nhân không theo một chiều như ở ta, mà được khơi thông để tỏa ra các hướng. Để một hệ thống y tế ở đâu cũng có những chuyên khoa sâu, ở bệnh viện nào cũng có chuyên gia giỏi, các nước quy định tất cả bác sĩ ra trường đều phải học nội trú thực hành từ 3 – 5 năm, ở các bệnh viện có chức năng đào tạo chuyên sâu, dưới sự hướng dẫn trực tiếp bởi những người thầy có tay nghề cao. Với thời gian học thực hành như vậy, đảm bảo một bác sĩ ngoại khoa ra trường có thể vững vàng thực hiện một ca đại phẫu, nên họ tỏa đi bất cứ nơi đâu làm việc, thì bệnh nhân vẫn luôn tin tưởng.

Mới đây, vấn đề giảm tải bệnh viện lại được đặt ra sau khi Bộ trưởng Y tế thị sát bệnh viện K. Theo tôi, coi "quá tải" như tình trạng chung của hệ thống y tế ở ta là chưa đầy đủ, bởi hàng loạt bệnh viện ở địa phương đang phải đối mặt với thực trạng không có bệnh nhân, không đủ chi phí để tự tồn tại.

Cả nước hiện có 1180 bệnh viện, nhưng chỉ 39 bệnh viện tuyến trung ương bị quá tải, chiếm tỷ lệ 3%. Với 382 bệnh viện lớn thuộc tuyến cuối của 63 tỉnh thành, chỉ vài bệnh viện quá tải, số còn lại giữ được bệnh nhân để lấp đầy số giường theo chỉ tiêu đã là việc khó khăn, nói gì đến chuyện quá tải. Còn lại 759 bệnh viện khác, cảnh đìu hiu vắng vẻ là không thể tránh khỏi.

Nhưng suốt hai thập kỷ qua, nỗi ám ảnh nằm ghép của 3% số bệnh viện, đã tạo nên tình trạng quá tải “giả tạo” của cả hệ thống chăm sóc sức khỏe, nó đủ che lấp 97% số bệnh viện đang phải tìm cách thu hút bệnh nhân. Giải pháp là gì? Nhiều ý kiến đã được đưa ra, nhiều nội dung đã được triển khai, nhưng là một bác sĩ, tôi cho rằng những cách làm ấy chưa giải quyết được vấn đề gốc rễ.

Ví dụ, để khắc phục tình trạng yếu kém chuyên môn của bệnh viện tuyến dưới, ngành y tế đã điều các bác sĩ giỏi về làm việc tăng cường vài tháng. Nó giống như việc nâng cấp chiếc máy bay kém chất lượng, bằng cách gắn thêm cho nó cái động cơ. Ban đầu chiếc máy bay đó có thể bay cao hơn một chút, nhưng ngay sau đó nó tụt xuống nhanh chóng, kéo theo cái động cơ tăng cường kia cũng trở nên rệu rã. 

Tình trạng quá tải bệnh viện, theo tôi là “không tồn tại”, mà chỉ tồn tại hiện tượng quá tải “giả tạo”. Với những bệnh nhân không có khả năng chạy lên tuyến trên như bác thương binh, họ sẽ phải chấp nhận phó thác sức khỏe của mình cho sự may rủi. Đấy mới là vấn đề mà các nhà hoạch định chính sách y tế cần phải suy nghĩ.

Trần Văn Phúc

Back To Top