Báo chí đưa tin, năm 2013, Việt Nam tiêu thụ hết 2,9 tỉ lít bia, tình hình tiêu thụ bia trong năm 2013 ổn định và tăng trưởng 7,4%. Như vậy, trung bình mỗi người trong số 90 triệu dân Việt Nam tiêu thụ hết 107 lon bia trong năm 2013, chắc cũng thuộc hàng có “số má” trên thế giới chứ nhỉ?
Đấy là chưa kể đến một bộ phận không nhỏ người Việt Nam không thích uống bia do quen với đế, cuốc lủi, bàu đá… số khác không thích bia vì nặng bụng, chỉ thích rượu vang từ vang Úc, Pháp đến vang Ý, Chi lê… hoặc rượu mạnh như Vodka, Henessy, Jonhny Walker, Chivas và hàng trăm nhãn hiệu rượu khác trên thế giới.
Năm 2013 trôi qua với bao nhiêu khó khăn về kinh tế với hơn 60.000 doanh nghiệp không còn khả năng hoạt động, mật độ thiên tai dày đặc với 15 cơn bão, tai họa lũ lụt với hàng nhiều chục người chết. Câu Lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn, niềm tự hào của giới Doanh nhân Việt Nam, đã có một lễ kỉ niệm ngày Doanh nhân khá buồn tẻ với số lượng người tham dự ít ỏi, đến nỗi mà mọi người phải an ủi nhau: chúng ta phải mừng khi chúng ta còn được ngồi ở đây. Những con số, những hình ảnh nói trên có vẻ không phù hợp với lượng bia tiêu thụ của người dân Việt Nam, với tình hình tiêu thụ bia “ổn định và tăng trưởng 7,4%”.
Cùng với số lượng xe gắn máy ngày càng tăng, lượng bia rượu tiêu thụ tăng đã dẫn đến số lượng các trường hợp chấn thương sọ não của chúng ta luôn đứng hàng đầu thế giới. Tất cả các bác sĩ trên thế giới mà chúng tôi đã gặp, từ bất cứ quốc gia nào, đều phải kinh ngạc với số lượng chấn thương sọ não mà các bác sĩ Việt Nam phải giải quyết. Gần đây, các số liệu về chấn thương cột sống cổ cũng đưa các bác sĩ Việt Nam lên hàng đầu thế giới về số lượng điều trị, số lượng mổ. Đã có một vài công trình nghiên cứu cho thấy mối tương quan giữa việc sử dụng bia rượu với số lượng các vụ tai nạn giao thông dẫn đến chấn thương sọ não và chấn thương cột sống cổ. Tuy nhiên, cho dù kết luận là có tương quan nhưng vẫn còn chưa đủ độ chính xác, vì đa số các tai nạn giao thông đều có liên quan đến bia rượu mà không được tính trong các nghiên cứu đó, bao gồm các trường hợp người gây ra tai nạn say bia rượu hoặc những hành vi của người say bia rượu làm cho tai nạn xảy ra giữa những người không uống bia rượu trước đó.
Chúng ta đưa ra chương trình chống viêm gan siêu vi với mục tiêu giảm tỉ lệ xơ gan, giảm tỉ lệ ung thư gan, nhưng chúng ta quên mất một mảng nguyên nhân lớn gây xơ gan và hàng loạt các vấn đề về sức khỏe khác: đó là bia, rượu. Là một bác sĩ phẫu thuật, dù rằng đã nỗ lực hết sức, nhưng rất nhiều lần tôi đành phải ngậm ngùi đặt dao xuống, bất lực nhìn người bệnh quằn quại trong đau đớn chỉ vì bệnh nhân suy gan nặng, không có khả năng đông máu, không còn khả năng thải thuốc mê, hoặc sẽ không thể lành vết mổ… Thật đáng buồn là tất cả các trường hợp tôi gặp đều có cùng một nguyên nhân: bia và rượu.
Không có một thống kê nào cho thấy có bao nhiêu gia đình Việt Nam ly tán vì bia rượu. Cũng chưa có một thống kê nào cho biết có bao nhiêu vụ bạo hành gia đình liên quan đến bia rượu, bao nhiêu vụ đánh lộn, đâm chém, thậm chí là dùng vũ khí quân dụng để bắn nhau vì bia rượu. Một bộ phận không nhỏ người nghèo trong xã hội chìm đắm trong bia rượu, là nạn nhân và đồng thời là thủ phạm của thất học, đói nghèo, lạc hậu…
Không biết các nhà máy bia rượu đóng góp bao nhiêu cho ngân khố quốc gia, không biết nó có bù đắp nổi những thiệt hại mà xã hội phải gánh chịu hay không. Chưa ai thống kê mỗi năm chúng ta phải bỏ ra bao nhiêu tiền để chạy chữa cho các trường hợp tai nạn do bia rượu gây ra, bao nhiêu tiền để chữa trị cho những người bệnh xơ gan do rượu, loạn tâm thần do rượu… Cũng chẳng ai tính được mức độ thiệt hại của các tác động tiêu cực khác của bia rượu không thể tính ra được thành tiền.
Niềm vui trước mắt do bia rượu mang lại, khả năng làm cho tạm quên thực tại, khả năng biến con người nhút nhát trở thành kẻ yêng hùng… làm chúng ta mờ mắt, làm chúng ta quên đi hàng ngàn lí do để không uống bia rượu. Và chúng ta cứ thế mà dzô… dzô…
BS. Võ Xuân Sơn