ĐỂ CÓ THAI KỲ KHỎE MẠNH CÁC MẸ BẦU HÃY NHỚ KHÁM THAI ĐỊNH KỲ

- 1529 lượt xem - Tin hoạt động

Khám thai định kỳ là một việc làm mà bất cứ mẹ bầu nào cũng cần phải thực hiện đầy đủ. Bởi thông qua việc khám thai định kỳ sẽ giúp các bác sĩ có thể theo dõi được toàn bộ sự phát triển của thai nhi cũng như sức khỏe của cả mẹ và bé, đồng thời giúp phát hiện sớm những bất thường của thai nhi (nếu có) và có biện pháp xử lý kịp thời, ngăn chặn các yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và con.

# CÁC MỐC KHÁM THAI ĐỊNH KỲ MẸ BẦU CẦN GHI NHỚ.

Mốc 1: Khám thai lần đầu

Thông thường chậm kinh từ 1-2 tuần đối với người kinh đều hoặc có dấu hiệu nghi ngờ (Đau lưng, căng tức vú, buồn nôn, nôn khan, sợ mùi thức ăn…) và thử que lên 2 vạch (Dương tính)

Mục đích : Phát hiện có thai hay không và vị trí làm tổ của thai, tính trạnh sức khỏe của người mẹ:

  • Đo chiều cao
  • Cân trọng lượng
  • Đo huyết áp
  • Phát hiện bệnh lý nội khoa tiềm ẩn
  • Khám phụ khoa
  • Một số các xét nghiệm để kiểm tra 1 số bệnh lý: Viêm gan B; C; HIV; Giang mai, Nhóm máu ABO/Rh( Đặc biệt là yếu tố Rh), tình trạng thiếu máu, tan máu bẩm sinh…
  • Siêu âm thai

Bác sỹ sẽ tư vấn về chế độ dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, thực phẩm nên tránh và đưa ra những mốc khám thai theo tình trạng của người mẹ. Chế độ vận động, thuốc (nếu cần), sinh hoạt tình dục…

Siêu âm (Thường là siêu âm đầu dò âm đạo) để kiểm tra vị trí của phôi thai, tuổi thai nhằm kịp thời phát hiện những bất thường đặc biệt là thai ngoài tử cung…(Thông thường siêu âm đầu dò âm đạo thực hiện ở tuần thai dưới 11 tuần.) và siêu âm đầu dò âm đạo không hề đau mẹ bầu nhé.

Xét nghiệm Beta HCG trong trường hợp siêu âm không rõ túi thai hoặc biểu hiện của thai bất thường.

Tính tuổi thai dựa vào ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng (nếu mẹ kinh nguyệt đều), hoặc dựa và ngày dự kiến sinh từ tuần thai thứ 7-8 đến hết quý I.

Bổ sung sắt (30 – 60mg/ngày), acid folic (400 mcg/ngày) ở giai đoạn đầu thai kỳ (tốt nhất bắt đầu từ trước khi mang thai 1 tháng), có thể hạn chế đến 70% nguy cơ dị tật ống thần kinh cho thai (như thoát vị não, tủy sống, thai vô sọ,…)

 

Mốc 2: Trong khoảng thời gian từ 10 – 13 tuần 6 ngày

Kể từ tuần thai thứ 10, khi khám thai định kỳ, ngoài các thăm khám thông thường như kiểm tra cân nặng, đo huyết áp, siêu âm bác sĩ sẽ chỉ định mẹ bầu làm các xét nghiệm quan trọng sau:

  • Ở tuần thai thứ 10, mẹ bầu được chỉ định làm xét nghiệm Thalassemia để biết thai nhi có nguy cơ bị thiếu máu di truyền hay không.
  • Trong khoảng thời gian từ tuần thứ 11 – 13 tuần 6 ngày: bác sĩ sẽ chỉ định làm xét nghiệm Double Test và siêu âm kiểm tra các bất thường có thể xảy ra ở tuổi thai này như thai vô sọ, thoát vị rốn, bàng quang lớn,… Đặc biệt là siêu âm đo độ mờ da gáy để đánh giá thai nhi có nguy cơ mắc những bất thường liên quan đến nhiễm sắc thể như Down, Edward hoặc Patau. Nếu kết quả siêu âm đo độ mờ da gáy, hoặc có hình thái bất thường cho thấy thai nhi có nguy cơ cao mắc bệnh di truyền, Bác sỹ sẽ tư vấn những xét nghiệm cần thiết để giúp chẩn đoán chính xác bệnh như sinh thiết gai rau hoặc chọc ối ở tuần thứ 16 – 20. Ngoài ra xét nghiệm NIPT (xét nghiệm sàng lọc không xâm lấn)  là phương pháp sàng lọc có độ chính xác rất cao (hơn Double test), có thể làm được từ tuần thứ 9 để phát hiện sớm các bất thường. Xét nghiệm NIPT với ưu điêm vượt trội là không xâm lấn và hoàn toàn không gây hại cho thai nhi.

Mốc 3: Trong khoảng thời gian từ 16 – 20 tuần thai kì

  • Lần khám thai này, mẹ bầu sẽ vẫn kiểm tra thường quy như: cân nặng, huyết áp, siêu âm, xét nghiệm nước tiểu,… để theo dõi sự phát triển của thai nhi.
  • Đa số mẹ bầu sẽ cảm nhận được thai “máy” từ giai đoạn này.
  • Siêu âm hình thai giai đoạn này có thể nhìn được rõ nét khuân mặt của thai nhi, và xác định giới tính của con mình.
  • Xét nghiệm Triple test sẽ được bác sỹ tư vẫn thực hiện từ 14 đến 18 tuần của thai kì nếu chưa làm xét nghiệm Double test hoặc NIPT. Tuy nhiên độ nhạy và độ đặc hiệu sẽ thấy hơn so với Double test.
  • Trong giai đoạn này, nếu như siêu âm hình thai thai có bất thường hoặc 1 trong 3 xét nghiệm Double test, Triple test hoặc NIPT trả lời nguy cơ mắc các dị tật bẩm sinh bác sỹ sẽ đề nghị làm xét nghiệm chẩn đoán chọc ối, hoặc sinh thiết gai rau vào khoảng tuần thứ 16 đến 20 của thai kỳ. Tuy nhiên tùy thuộc vào tình trạng, chỉ định và nguyện vọng của gia đình vì đây là thủ thuật xâm lấn, nên có thể ảnh hưởng đến thai, nhưng tỷ lệ gặp tai biên chỉ khoảng < 1%.

Mốc 4: Trong khoảng thời gian từ 21 – 24 tuần thai kì

  • Thời gian này, một nửa chặng đường thai nghén đã trôi qua. Em bé thời điểm này sẽ luôn có những hành động để ngầm nhắc nhở về sự sống ngọt ngào đang lớn lên từng ngày trong bụng mẹ. Đây cũng là mốc thời gian vàng để siêu âm nhằm đánh giá hình thái học cũng như sự phát triển của thai nhi.
  • Ở mốc khám thai tuần 22 (1 trong 3 mốc quan trong nhất trong thai kỳ – 12, 22,32) bác sĩ sẽ phát hiện các bất thường về hình thái của em bé như sứt môi, dị dạng ở các cơ quan, các bất thường về tim và hệ xương… Nếu nhận thấy có sự bất thường, bác sĩ sẽ đưa ra những biện pháp can thiệp kịp thời cho mẹ bầu.
  • Nên bắt đầu tiêm uốn ván từ giai đoạn này (bác sỹ sẽ có lịch tiêm cụ thể, cho từng mẹ bầu).
  • Lúc này em bé có thể cảm nhận được âm thanh đặc biệt là âm thanh của mẹ vậy nên mẹ bầu nên chịu khó nói chuyện với con nhé.

 

Mốc 5: Trong khoảng thời gian từ 24 – 28 tuần thai kì.

Đây là giai đoạn chuyển giao giữ quý 2 và quý 3 của thai kỳ, nhu cầu dinh dưỡng của em bé tăng nhiều nên các mẹ có tâm lý ăn nhiều cho con khỏe, chưa kể thay đối khẩu vị khiến 1 số mẹ bầu thích ăn ngọt làm tăng nguy cơ tiểu đường thai kỳ.

  • Khám giai đoạn này ngoài kiểm tra thường quy về cân nặng, huyết áp, nước tiểu và siêu âm thì bác sỹ sẽ chỉ định làm nghiệm pháp dung nạp đường huyết để phát hiện nguy cơ tiểu đường thai kỳ. Nếu ở giai đoạn sớm, mức độ nhẹ, thông thường chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn và tập thể dục nhẹ nhàng,
  • Tuy nhiên nếu mẹ bị tiểu đường thai kỳ sẽ làm tăng nguy cơ ảnh hưởng đến thai như thai to gây khó khăn trong quá trình đẻ và nguy cơ hạ đường huyết sau sinh. Tăng nguy cơ mắc tiểu đường type 2 cho cả mẹ bầu và em bé sau sinh. Cá biệt 1 số trường hợp mất tim thai ở cuối thai kỳ.

Hãy nhớ điều chỉnh chế độ ăn hợp lý, đầy đủ, cân đối theo hướng dẫn của bác sỹ và khám thai định kỳ mẹ bầu nhé.

Mốc 6: Khám thai ở tuần thai thứ 32

  • Thời điểm này thai nhi đã lớn, những bất thường mà ở mốc khám thai 20 – 22 tuần chưa phát hiện thì đến nay đã có thể thấy rõ. Tuy không đình chỉ thai kỳ ở giai đoạn thai nhi đã khá lớn, nhưng việc phát hiện bất thường thai nhi sẽ giúp bố mẹ chủ động trong công tác chuẩn bị cho cuộc sinh nở sắp tới: chuẩn bị tâm lý, lựa chọn phương pháp sinh thường hay sinh mổ, sinh ở thời điểm nào, chuẩn bị chăm sóc, điều trị cho bé sau sinh ra sao nếu bé có vấn đề…
  • Ngoài đánh giá cơ bản về cân nặng, huyết áp, xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm hình thái, bác sĩ sẽ kiểm tra ngôi thai, bánh nhau, lượng nước ối… nhằm đảm bảo bé đang phát triển tốt ở giai đoạn về đích, đưa ra các kết luận chính xác về sự phát triển của thai nhi, tốc độ phát triển so với tuổi thai nhằm có những biện pháp can thiệp kịp thời nếu thai trong tử cung bị phát triển chậm. Từ đó có thể phòng tránh được các nguyên nhân gây suy thai, ngạt sau đẻ.

Lịch khám thai ở tuần thai thứ 32 nhằm đảm bảo thai nhi đang phát triển tốt nhất ở giai đoạn về đích.

Mốc 7: Khám thai ở tuần thai thứ 36.

Đến giai đoạn này về cơ bản bác sỹ đã nắm được tình trạng sức khỏe của mẹ và bé. Ngoài siêu âm và nước tiểu thì bác sỹ sẽ cho mẹ làm thêm chỉ định theo dõi tim thai và cơn co tử cung bằng máy để quan sát hoạt động, tình trạng sức khỏe của thai, đáp ứng của tim thai cũng như tình trạng cơn co tử cung.

Từ sau tuần thai thứ 36, mẹ bầu cần phải đi khám thai 1 tuần 1 lần. Trong mỗi lần khám, bác sĩ sẽ tiến hành các thăm khám thường quy, kiểm tra cổ tử cung, khung chậu của mẹ bầu, siêu âm thai giúp bác sỹ tiên lượng mẹ bầu sinh thường hay sinh mổ.

Mẹ bầu nên chuẩn bị đồ đạc cần thiết, phương tiện đi lại để sẵn sàng cho tình huống khẩn cấp nhé

Tại bệnh viện và các phòng khám vệ tinh của bệnh viện Hùng Vương, các mẹ bầu có thể đăng ký làm hồ sơ trước sinh từ tuần thai thứ 36 để mình chủ động trong mọi tình huống nhé.

Việc nắm được những mốc khám thai quan trọng giúp mẹ bầu chủ động trong việc thăm khám, theo dõi về tình trạng sức khỏe của bản thân và thai nhi. Trên đây là các mốc khám thai quan trọng mà mẹ bầu nên biết, chúc các mẹ bầu có một thai kỳ khỏe mạnh.

Back To Top