Cuối năm khám bệnh cho bà cụ 83 tuổi bị đau khớp gối và đau lưng. Bà cụ bảo trước giờ không bị bệnh gì ngoại trừ hai khớp gối và cái lưng dạo này dở chứng đau nhức. Sau khi cho thuốc và dặn dò bà cụ, tôi nói đùa: “Bà cụ như vậy là có sức khỏe tốt rồi đó, bác sĩ chưa chắc đã sống lâu được như vậy”.
Bà cụ mỉm cười và bảo: “Bác sĩ nói sao chứ chuyên chữa bệnh cho người khác thì phải sống lâu hơn và sống khỏe chứ”. Câu nói làm tôi chợt nhớ đến một đồng nghiệp đã ra đi vào thời điểm cuối năm như thế này ở cái tuổi xấp xỉ 45 vì nhồi máu cơ tim.
Bệnh nặng mới chữa
Thật ra, khoa học đã nhiều lần cảnh báo giới y khoa là thành phần dễ bị tổn thương nhất vì nhiều nguyên nhân. Đầu tiên phải kể đến là sống và làm việc trong môi trường độc hại. Các bác sĩ dù là nội khoa hay ngoại khoa đều đối diện với nguy cơ tiếp xúc với các mầm bệnh của chính bệnh nhân, của môi trường bệnh viện mà họ đang làm việc.
Những trường hợp nhân viên y tế bị mắc phải bệnh lao, các bệnh truyền nhiễm khác rất thường gặp. Hằng ngày phải làm việc trong môi trường mà vi khuẩn tồn tại từ năm này sang năm khác như ở bệnh viện thì việc họ bị nhiễm trùng là khó tránh khỏi.
Nguyên nhân thứ hai là tính chủ quan của chính bác sĩ. “Bác sĩ biết rõ cơ thể mình hơn ai hết nên không sao đâu” là câu cửa miệng của nhiều bác sĩ. Trong khi đa số người dân bình thường vừa mới sốt hay bị ho một tí đã cuống cuồng đi gặp bác sĩ thì chính các bác sĩ đã xem thường các triệu chứngbáo trước bệnh và không mấy khi tham khảo ý kiến đồng nghiệp của mình.
Giới y khoa ở TP.HCM hẳn không quên câu chuyện bậc thầy chuyên về tiêu hóa nhưng lại bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối cùng dù trước đó đã có những triệu chứng báo trước. Không ít những bậc đàn anh ngoại khoa nhưng đã bị ung thư vùng hầu họng ở giai đoạn cuối hoặc bác sĩ chuyên nội khoa bị nhồi máu cơ tim.
Bác sĩ phớt lờ bệnh của mình
Ngay cả khi bệnh viện cho đi khám sức khỏe thì chính các bác sĩ lại là người trốn đi khám nhiều nhất vì lý do đang bận khám bệnh cho bệnh nhân. Thật lòng mà nói rất nhiều bác sĩ khám sức khỏe định kỳ một cách qua loa, đối phó là chính. Nguyên nhân thứ ba là do hằng ngày tiếp xúc với cái chết của con người nên bác sĩ xem cái chết “nhẹ tựa lông hồng”.
Khi được hỏi, một đồng nghiệp nói với tôi rằng đối với anh cái chết không có gì phải sợ hãi, điều sợ nhất lại là không được làm cái mình thích. Chính vì vậy dù luôn miệng khuyên bệnh nhân không rượu chè, không thuốc lá, phải tăng cường chơi thể thao nhưng rất nhiều bác sĩ lại uống bia, rượu như hũ chìm, phì phèo thuốc lá như ống khói tàu.
Họ thức thâu đêm để mổ xẻ, giành giật sự sống cho bệnh nhân, ngày hôm sau rảnh rỗi thay vì nghỉ ngơi thì họ lại xả stress bằng bia rượu, thuốc lá. Câu nói vui mà các bác sĩ hay dùng khi nói đùa với bệnh nhân: “Ông, bà không được dùng bia rượu hay thuốc lá nhé vì ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe, chỉ nên để cho… bác sĩ dùng thôi…”.
Là người chăm sóc sức khỏe cho người khác nhưng chính các bác sĩ lại… bị thua ngay trên sân nhà khi quá hớ hênh để cho bệnh tật tấn công và vì sự thờ ơ với sức khỏe của mình. Nên có lẽ không ngạc nhiên khi có người nói vợ mới chính là người chăm sóc sức khỏe cho bác sĩ.
Thật sự nếu làm một cuộc khảo sát về lối sống của đội ngũ y bác sĩ, chắc sẽ lòi ra nhiều chuyện hay ho về sức khỏe. Nghiêm túc mà nói có lẽ cần xây dựng một bộ quy tắc ứng xử cho đội ngũ này bên cạnh những quy chuẩn về y đức. Nên chăng phải luật hóa về thời gian làm việc, nghỉ ngơi, nghiên cứu của đội ngũ y bác sĩ nhằm hướng đến một môi trường làm việc chuyên nghiệp hơn, bền vững hơn.