Ngược chiều trên cao tốc ! ĐÚNG hay SAI?

- 14 lượt xem - Tin tức
Ai cũng cho là mình có lý, cũng viện dẫn những căn cứ pháp lý, những chứng cứ khác nhau, nếu chỉ đọc lướt qua thì thấy có vẻ như ai cũng đúng, nhưng khi xem kỹ một chút thì thấy có những tác giả đã bóp méo sự thật, đã viện dẫn sai cả luật pháp để bảo vệ cho cái quan điểm của bản thân mình, ví dụ trên một trang mạng, một tác giả đã viện dẫn “Điều 22. Quyền ưu tiên của một số loại xe

"Xe quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều trừ đường cao tốc, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông"

          Xin thưa với quý vị, điều 22 luật giao thông của chúng ta quy định:

Điều 22. Quyền ưu tiên của một số loại xe

1. Những xe sau đây được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới theo thứ tự:

a) Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ;

b) Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường;

c) Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu;

d) Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật;

đ) Đoàn xe tang.

2. Xe quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.

Chính phủ quy định cụ thể tín hiệu của xe được quyền ưu tiên.

3. Khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên.

          Vâng, các bạn thử tìm giúp tôi xem có cụm từ “Trừ đường cao tốc“ nào trong điều 22 luật giao thông không?. Vậy tác giả sáng tác và đưa dòng chữ “Trừ đường cao tốc“ vào để làm gì? Chỉ thêm mấy chữ ấy thôi thì chiều hướng dư luận đã đi theo một con đường hoàn toàn khác.

          Ở một bài viết khác có luật sư lại cho rằng lực lượng CS PCCC phải thông báo cho lực lượng CSGT để phối hợp… Tôi cho rằng việc này là không cần thiết vì luật không quy định và không thể vì thời gian không cho phép họ – cảnh sát phòng cháy chữa cháy (CS PCCC ) làm việc đó…

 Suốt từ chiều ngày 18/3 và chính thức là sau khi được xem video clip hai xe tông vào nhau tôi đã bị sốc tôi đã cầu nguyện rất nhiều, cầu nguyện cho chân lý và đạo đức, cầu nguyện  để những điều kỳ diệu sẽ đến và che chở cho những con người vô tội, các bạn thử hình dung mỗi khi có đám cháy xẩy ra, mọi người kể cả chủ sở hữu của những khối tài sản khổng lồ như xe hơi, nhà lầu, kho tàng bến bãi… họ đều ôm đầu… bỏ chạy để thoát thân và lúc ấy có những con người , họ không phải là chủ sở hữu những khối tài sản ấy, họ không phải là những người bà con, thân thích, thậm chí là không  hề quen biết với những ông bà chủ nọ lại ôm đầu chạy theo chiều ngược lại, họ lao vào những đám cháy, nơi mà hàng trăm hàng ngàn thậm chí là hàng vạn điều nguy hiểm đang chờ đợi rình dập họ, máu, nước mắt và thậm chí cả tính mạng nhiều chiến sỹ trong lực lượng CS PCCC đã đổ xuống, mỗi ngày qua đi sự bình yên mà chúng ta có được đã phải đánh đổi bằng những thứ vô giá ấy, đó có phải là sự hy sinh hay không? Tôi tin rằng bất cứ ai trong chúng ta, chỉ cần có một chút lương tâm thôi sẽ không thể không xúc động khi được chứng kiến những hành động dũng cảm, quên mình vì nhiệm vụ, vì nhân dân của các chiến sỹ CS PCCC. Tôi cũng xin được nói thêm rằng, tôi không phải là CS PCCC, tôi cũng không có bất cứ anh em, họ hàng nào thậm chí không có một người quen nào trong lực lượng ấy, tôi muốn nói diều này để các bạn tin rằng tôi không thiên vị, mặc dù rất sốc, sốc trước sự mất mát, trước sự ra đi quá đột ngột của một người con ưu tú, một chiến sỹ CS PCCC nhưng tôi vẫn đủ bình tĩnh và tỉnh táo để nhận thức được rằng: trong những ngày qua nhiều bài báo đã làm méo mó sự thật, đã lạm dụng quyền tự do ngôn luận để trà đạp lên lẽ phải, trà đạp lên đạo lý, trả đạp lên nỗi đau của một gia đình, một dòng họ, để chúng minh cái tôi, để tự cho mình cái quyền phán xét, để bỏ qua những giá trị cốt lõi, bỏ qua sự thật. Trên các trang báo hình như những người cầm bút quên mất một điều rằng: Trong lúc chúng ta đang tranh cãi với nhau thì có một bà mẹ sống trong nỗi đau đến tột cùng của sự tổn thất, nỗi đau mất con…  

 

 

       Trong suốt mấy ngày qua tôi chưa tìm thấy một bài viết nào nói về nỗi đau xé lòng của một bà mẹ mất con, chưa có một bài viết nào chia sẻ tổn thất quá lớn của lực lượng CS PCCC nói riêng và đơn vị của các anh, các chiến sỹ có mặt trên chiếc xe định mệnh chiều 18/3…? Vẫn biết rằng, bây giờ, dù chúng ta có làm gì thì em, người lính cứu hỏa, người đã tự giao cho mình cái “Quyền” ngược chiều để lao vào đám cháy ấy cũng đã ra đi ở cái tuổi 25, cái tuổi đẹp nhất của một cuộc đời, gia đình em, ba mẹ đã vĩnh viễn mất đi một người con, một niềm tin yêu, một niềm tự hào, một niềm hy vọng, đơn vị mất đi một chiến sỹ ưu tú, xã hội mất đi một công dân tốt, một công dân sống có trách nhiệm, biết cống hiến và dám hy sinh…

Lúc này, nếu ai có lương tâm thì hãy tĩnh lặng để tưởng nhớ, để tri ân, để chia sẻ nỗi đau, sự tổn thất vô bờ bến với những người thân của CS Chử Văn Khánh, xin đừng trà sát lên nỗi đau của gia đình người chiến sỹ đã hy sinh, nỗi đau của những nạn nhân bao gồm cả các chiến sỹ CS PCCC và các hành khách đi trên chiếc xe định mệnh chiều 18/3. Và nếu có bình luận thì hãy bình luận một  cách có trách nhiệm, có lương tâm.

Và cho phép tôi được bày tỏ quan điểm của cá nhân tôi. Vâng tôi xin nhắc lại, đây là quan điểm của cá nhân tôi, tôi muốn viết lên đây để mọi người cùng nghiên cứu, các cơ quan bảo vệ pháp luật của thành phố Hà Nội cũng hãy xem xét một cách hết sức khách quan, thận trọng để pháp luật được tôn trọng, lẽ phải được bảo vệ. Như các bạn đã biết, điều 22 luật GTĐB đã quy định: … Xe quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông. Như vậy là đã quá rõ, chiều 18/3 trong tình huống bất khả kháng, tất cả các hướng đường để có thể tiếp cạn vụ tai nạn cần cứu hộ đều đã bị tắc ngẽn, chiếc xe cứu hỏa chỉ còn một con đường duy nhất là đi ngược chiều trên cao tốc để tiếp cận các nạn nhân, lái xe cứu hỏa chấp hành mệnh lệnh của chỉ huy và lái xe cũng đã làm tất cả những việc cần phải làm theo đúng quy định của PL, đó là: Phát tín hiệu ưu tiên bao gồm: Đèn, còi, loa…Lẽ ra lúc này tất cả các phương tiện tham gia giao thông phải dừng lại hoặc đi về bên phải để nhường đường cho xe ưu tiên thì chắc chắn tai nạn sẽ không thể xẩy ra.

Theo quan điểm của tôi, lái xe cứu hỏa trong tình huống này đã tuân thủ pháp luật và hoàn toàn không có lỗi, ngược lại, đối với người điều khiển xe khách, trên video clip ai cũng nhận thấy, chiếc xe đi với tốc độ quá nhanh, nhanh đến nỗi, khi gặp xe cứu hỏa đã đâm thẳng và hất tung cả chiếc xe về phía trước, đoạn đường nơi xẩy ra tai nạn là đoạn đường có đường rẽ, như vậy phía trước ở cự ly 1km đã có biển cảnh báo “Nhập làn…” và là lái xe ai cũng hiểu và phải thực hiện cảnh báo là đi chậm, chú ý quan sát… tại thời điểm xẩy ra tai nạn trời có mưa, với điều kiện thời tiết như vậy, dù không có biển cảnh báo thì lái xe cũng phải chủ động giảm tốc độ, chưa bàn đến việc xe cứu hỏa đã phát tín hiệu ưu tiên, chưa bàn đến việc xe cứu hỏa được quyền đi ngược chiều trên cao tốc, chỉ với việc bỏ qua cảnh báo giảm tốc độ trong điều kiện đường cao tốc có biển báo “Nhập làn” và đường trơn trượt thì việc điều khiển  ô tô với tốc độ “Tử Thần” của lái xe khách là hoàn toàn sai trái, đã đủ yếu tố cấu thành tội “Vi phạm quy định điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, theo quy định tại  khoản 3 điều 260 BLHS năm 2015".

          Với tư cách là một công dân, tôi kính mong các cơ quan tố tụng của thành phố Hà Nội sớm khởi tố vụ án hình sự để điều tra, làm rõ và xử lý đúng người đúng tội, đúng pháp luật với người có tội (người điều khiển xe khách) vì dù không thể làm người đã mất sống lại nhưng ít nhất chân lý cũng cần phải được bảo vệ, và tôi cũng mong những người cầm bút hãy công bằng hơn, những luật sư (Hoặc tự nhận là luật sư) hãy khách quan hơn khi đưa ra những nhận xét thiếu khách quan, thêm hoặc bớt những tài liệu, chúng cứ để làm méo mó sự thật và đánh lạc hướng dư luận. Pháp luật cần được tôn trọng, lẽ phải  sẽ chiến thắng, lương tâm, đạo đức cần được bảo vệ. Xin kính cẩn cúi đầu tiễn biệt em, tiễn biệt người lính cứu hỏa mẫu mực, cầu mong em sớm được siêu thoát, xin được chia sẻ nỗi đau quá lớn của gia đình em, chia sẻ sự tổn thất của các anh, các chị các chiến sỹ CS PCCC…

          Với các cơ quan pháp luật tôi cũng muốn có thêm một kiến nghị, là: Hiện nay trong quá trình tham gia giao thông, một hiện tượng tiêu cực và rất  phổ biến là: Quá nhiều phương tiện lạm dụng tín hiệu ưu tiên, nhiều phương tiện và người sử dụng phương tiện không đủ điều kiện sử dụng còi đèn ưu tiên nhưng cũng vẫn tự ý sử dụng, nhiều phương tiện tự lắp, tự sử dụng khi không có giấy phép của cơ quan CSGT nhưng cơ quan pháp luật mà cụ thể là lực lượng CSGT rất ít phát hiện và xử lý đối với hành vi này. Đối với các phương tiện tham gia giao thông hiện nay rất ít, thậm chí là hoàn toàn không chấp hành quy định về việc giành đường cho xe ưu tiên, tuy nhiên hành vi này cũng gần như chưa bị cơ quan pháp luật ( CSGT) xử lý. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gián tiếp  để xẩy ra những vụ tai nạn thương tâm trong thời gian gần đây.

          Đây là quan điểm của cá nhân tôi, nếu có ngược chiều với suy nghĩ của ai đó, tôi xin được lượng thứ.

                             

Back To Top