Khuyến cáo tiêm phòng, Bộ Y tế vì quyền lợi của ai?

- 14 lượt xem - Tin tức

Một thầy thuốc khi đứng trước bệnh nhân thì phải coi bệnh nhân là trên hết, lợi ích của bệnh nhân là trên hết. Điều này phải được hiểu rằng người thầy thuốc phải luôn coi trọng tính mạng người bệnh, luôn giúp người bệnh chọn lựa phương pháp điều trị có lợi nhất. Khi căn bệnh vượt quá khả năng của mình hoặc của cơ sở của mình, người thầy thuốc cần phải chuyển bệnh nhân đến một bác sĩ khác, một cơ sở khác.

Ngoại trừ một số ít những “con sâu” trong ngành, đa số nhân viên y tế đã làm rất tốt điều này. Nhiềunhân viên y tế không quản ngại khó khăn, gian khổ, thức đêm, lương thấp, không quản ngại những tác dụng độc hại của trang thiết bị y tế, không quản ngại việc bị phơi nhiễm với bệnh tật, lăn xả cứu chữa bệnh nhân. Hơn ai hết, nhân viên y tế hiểu sự lây lan của bệnh tật, nhưng khi khẩn cấp vẫn có những người không ngại việc hô hấp nhân tạo trực tiếp miệng qua miệng nhằm cứu sống người bệnh.

Việc một vài nhân viên y tế đòi hỏi phong bì mới chịu khám chữa bệnh. một số bác sĩ kê toa thuốc để ăn hoa hồng là những hành vi vi phạm nguyên tắc coi trọng quyền lợi người bệnh. Số này thực sự chỉ là một số rất ít những con sâu trong ngành y, cần nghiêm trị để không ảnh hưởng đến những nhân viên y tế khác luôn hành động vì quyền lợi của bệnh nhân.

Khi có những vấn đề khó khăn trong chuyên môn, các bác sĩ thường vẫn ngồi lại với nhau để hội chẩn cho dù trong quan hệ xã hội có thể họ không ưa nhau lắm. Tất cả vì quyền lợi của người bệnh. Có lẽ ít có ngành nào mà hội chẩn thường xuyên như ngành y. Có khi tổ chức một buổi hội chẩn rình rang, có xe đưa rước, có biên bản. Có khi là một đoạn email, một clip, một cú điện thoại… Các mối quan hệ, các phương tiện liên lạc đều được tận dụng để hội chẩn, với mong muốn mang lại lợi ích cao nhất cho người bệnh. Không ít lần tôi nhận được điện thoại của một bác sĩ nào đó đang trong cuộc mổ, hoặc đang đứng trước bệnh nhân trong phòng cấp cứu. Bản thân tôi cũng thường xuyên gửi thư, gọi điện, mời hội chẩn, tham khảo ý kiến các đồng nghiệp trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, khái niệm lợi ích của người bệnh đôi khi rất mơ hồ và ranh giới không rõ ràng, dễ gây sự hiểu lầm hoặc bị một vài “con sâu” lợi dụng.

Câu chuyện thứ nhất

Một câu chuyện gần đây là chuyện tiêm phòng. Việc tiêm phòng là một việc làm vì lợi ích của con người và của cả cộng đồng (trong trường hợp này cộng đồng chính là một “bệnh nhân” của y học dự phòng). Khi xảy ra tai biến tiêm chủng, Bộ Y tế vẫn khuyến cáo tiêm phòng. Dư luận phản đối, cho rằng Bộ Y tế hành động không vì quyền lợi của người dân. Dư luận căng thẳng quá, nhiều người sợ không dám cho con đi chích ngừa.

Dịch bùng nổ. Khi dịch bùng nổ thì mới thấy khuyến cáo của Bộ Y tế là vì lợi ích của người bệnh. Nhưng trước đó vài tháng, việc khuyến cáo tiếp tục chích ngừa lại bị coi là phục vụ cho việc mua vắcxin, là hành động đi ngược lại lợi ích của người bệnh, là không có y đức

Như vậy, trong một số trường hợp, hành động vì lợi ích của người bệnh chỉ được nhìn nhận khi lợi ích của người bệnh đã thực sự bị xâm hại.

Có nhiều cách để diễn giải các hành động của người thầy thuốc, nhưng dư luận nhìn chung thiên về các suy luận tiêu cực, gây ức chế cho các thầy thuốc khi họ thực tâm mong muốn điều tốt lành cho người bệnh. Bên cạnh đó, còn một số ít thầy thuốc thực sự không hành động vì lợi ích người bệnh, làm gia tăng sự nghi ngờ, giảm sút lòng tin của người dân vào ngành y.

Ảnh minh hoạ.

Tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh tốt nhất. Ảnh minh hoạ.

Câu chuyện thứ hai

Một bệnh nhân làm xét nghiệm ở bệnh viện này khi mang sang bệnh viện khác, bác sĩ yêu cầu làm lại. Nếu chỉ vì việc phải làm thêm xét nghiệm ở cơ sở của mình để tăng doanh thu, đó là việc làm đi ngược lại lợi ích của người bệnh. Nhưng nếu người bác sĩ thấy rằng kết quả xét nghiệm kia mâu thuẫn với lâm sàng, giữa các kết quả với nhau, hoặc độ tin cậy của cơ sở trước không cao mà không cho làm lại xét nghiệm thì lại là không vì lợi ích của người bệnh.

Như vậy, không làm một việc cần làm vì lợi ích người bệnh vì sợ bị cho là lạm dụng cũng đồng nghĩa với việc không vì lợi ích người bệnh.

Câu chuyện thứ ba

Trước đây, để mổ cố định các trường hợp chấn thương cột sống, chúng tôi dùng các loại nẹp chân tay chế lại và vít bắt xương chân tay để cố định xương cột sống. Đấy là những dụng cụ còn tồn lại từ thời chế độ cũ, được lấy từ trong các kho viện trợ của các cơ sở y tế tuyến dưới bán ở chợ đen. Đương nhiên đó chỉ là giải pháp chữa cháy, và không thể có một nền y tế tiến bộ dựa vào chợ đen được. Những dụng cụ này dần dần cũng cạn đi.

Khi mới bắt đầu mở cửa, chúng tôi mong muốn sử dụng những dụng cụ được chế tạo công nghiệp và được bán chính thức. Thấy giá bán ở Nhật rất cao, chúng tôi liên hệ với các công ty sản xuất dụng cụ với hi vọng Việt Nam sẽ được hưởng giá thấp hơn. Sau khi khảo sát thị trường, các công ty đưa ra giá còn cao hơn khá nhiều so với ở Nhật với lí do thị trường Việt Nam quá nhỏ. Chúng tôi quyết định dựa trên cấu trúc của các loại nẹp vít có sẵn, nhập nguyên liệu về và chế tạo nó.

Mọi bước chuẩn bị đã xong. Chúng tôi tham khảo ý kiến các bác sĩ nước ngoài, đồng thời tham khảo ý kiến các luật sư. Nếu đi vào chế tạo, chúng tôi sẽ vi phạm luật bản quyền. Ngoài ra, phải có những nghiên cứu hết sức tốn kém để xác định chính xác để xem nó có thực sự thích hợp với người không, có gây hại cho người bệnh không.

Tính toán các chi phí, việc mua về rẻ hơn chế tạo. Đấy là chưa nói đến việc liệu chúng tôi có thể vượt qua được các nghiên cứu không, và ai sẽ là người đồng ý cấp vốn cho chúng tôi làm nghiên cứu và chế tạo? Chúng tôi quyết định dừng chương trình chế tạo dụng cụ, một chương trình với ý định ban đầu là mang lại lợi ích cho người bệnh nhưng phải kết thúc sớm vì nếu làm theo kiểu nhà nghèo có thể sẽ gây hại cho người bệnh.

Như vậy, nhiệt tình nhiệt huyết với người bệnh không chưa đủ. Cần xem xét tất cả các yếu tố về pháp lí, khả năng khoa học, khả năng tài chính… trước khi làm một việc gì khác người cho dù là vì lợi ích của người bệnh.

Câu chuyện thứ tư

Các bác sĩ Việt Nam thường tỏ ra phẫn nộ với nhiều bác sĩ nước ngoài, đặc biệt là Singapore, khi họ mổ cho bệnh nhân đã có dấu hiệu cho thấy không còn sống được bao lâu nữa. Các bác sĩ Việt Nam phản đối vì cho rằng cuộc mổ không mang lại lợi ích cho người bệnh, làm cho họ tốn kém chi phí, chỉ để bác sĩ và bệnh viện thu thêm một số tiền.

Còn các bác sĩ mổ thì lí luận rằng người bệnh phải được chăm sóc tận tình cho đến lúc chết, họ phải luôn có hy vọng… Cá nhân tôi đã gặp khá nhiều gia đình bệnh nhân bị như vậy và tôi rất ngạc nhiên là nhiều người nhà cho rằng các bác sĩ đó đầy lương tâm, hết sức tận tình. Không biết các bác sĩ đó hành xử thực sự vì quyền lợi của người bệnh hay vì doanh thu nhưng khéo léo che đậy?

Như vậy, không phải lúc nào thầy thuốc với bệnh nhân và thân nhân bệnh nhân cũng có cùng một suy nghĩ.

Câu chuyện thứ năm

Lâu lắm rồi, tôi có một bệnh nhân bị chấn thương sọ não. Lúc đó dù còn bao cấp nhưng đã bắt đầu có thị trường chợ đen về thuốc men, dụng cụ y tế. Gia đình người bệnh yêu cầu tôi sử dụng cái gì tốt nhất cho người bệnh. Thói quen tính toán, tiết kiệm cho bệnh nhân đã ngăn cản tôi không vung tay. Cuối cùng thì bệnh nhân cũng xuất viện ra về.

Khi tôi đến nhà thăm bệnh nhân, chị của bệnh nhân nhờ tôi dịch một bức thư bằng tiếng Anh của Ngân hàng ở Hồng Kông gửi cho chị ấy, nội dung là số tiền trong tài khoản của chị ấy hiện là X đô la Hồng Kông (tương đương vài triệu đô la Mỹ). Do không có cách liên lạc nên họ xin phép gộp tiền lãi vào số tiền gửi và tính lãi tiếp.

Theo người chị của bệnh nhân, tất cả anh em trong nhà đều có một tài khoản như vậy. Trong trường hợp này, rõ ràng là tôi đã không làm điều có ích nhất cho bệnh nhân dù trước đó tôi cứ nghĩ rằng tôi đã làm điều tốt nhất cho người bệnh.

Như vậy, cùng một việc làm, đối với người bệnh này là vì lợi ích của họ nhưng đối với người bệnh khác chưa hẳn là như vậy.

Câu chuyện thứ sáu

Một trong những tranh cãi kéo dài nhất, gay gắt nhất hiện nay về lĩnh vực tôn trọng lợi ích của người bệnh là vấn đề cho phép giúp cho người bệnh nan y chết theo nguyện vọng. Bên ủng hộ cho rằng đối với người bệnh, ý nguyện của họ là quyết định, lợi ích của họ là do ý nguyện của họ, như vậy chết là cách giải thoát, là lợi ích lớn nhất đối với họ khi cuộc sống chỉ còn ý nghĩa dày vò họ, mang lại đau khổ cho họ.

Bên phản đối thì có nhiều lí do, nhưng lí do liên quan đến lợi ích của người bệnh là theo họ, sinh mạng là quí giá nhất. Lời thề Hypocrate có đoạn: “Tôi sẽ không trao thuốc độc cho bất kỳ ai, kể cả khi họ yêu cầu và cũng không tự mình gợi ý cho họ”, Qui ước đạo đức nghành y của Hiệp hội Y khoa Thế giới có điều 12: “Tôn trọng sinh mạng của con người”. Và như vậy việc chấp nhận giúp người bệnh nan y chết đồng nghĩa với giết người và cướp đi mạng sống của người bệnh.

Như vậy, cách hiểu của xã hội và của chính các thầy thuốc về lợi ích của người bệnh vẫn còn chưa thống nhất với nhau.

Câu chuyện thứ bảy

Khi tôi mới ra trường, có một thời gian các máy lạnh ở phòng mổ bị hư. Những người vào vòng trong (mặc áo và mang găng vô trùng) của kíp mổ giống như chịu một cực hình. Nóng nực, mồ hôi tuôn chảy. Kíp vòng ngoài (mặc áo và mang găng sạch) thấy thương quá lấy cây quạt máy đặt thổi thẳng vào phẫu thuật viên. Tôi thuộc loại da bọc… mỡ nên nhiều mồ hôi, khi mổ trông rất thảm hại. Bác sĩ gây mê thương, bắc cho một cây quạt thổi vào lưng tôi, như vậy sẽ thổi bụi và vi trùng trực tiếp vào não bệnh nhân.

Tôi yêu cầu tắt quạt nhưng không ai chịu tắt, tôi lấy chân tắt (quạt để trên ghế), kể cũng hơi mạnh… chân. Thế là hôm sau có một cuộc họp tưng bừng kiểm điểm tác phong. Khi tôi nói tôi sợ nhiễm trùng cho bệnh nhân thì bác sĩ gây mê nói nếu để mồ hôi của tôi chảy xuống vào não của bệnh nhân thì cũng nhiễm trùng vậy!!!

Trong trường hợp này, rất khó kết luận ai vì lợi ích bệnh nhân ai không, nhưng giải pháp nào cũng không ổn. Rất may, lãnh đạo lúc đó là những người thực sự có tâm. Mọi nguồn lực được tập trung để sửa máy lạnh.

Như vậy, trong những môi trường nhất định, bạn không thể làm điều gì phù hợp với lợi ích của người bệnh ngoài việc cải tạo môi trường đó.

BS. Võ Xuân Sơn

Back To Top