Trường hợp người được tiêm chủng là trẻ em thì người theo dõi trẻ phải là người trưởng thành và biết chăm sóc trẻ. Các dấu hiệu cần theo dõi sau tiêm chủng bao gồm:
– Toàn trạng
– Tinh thần, tình trạng ăn ngủ
– Dấu hiệu về nhịp thở
– Nhiệt độ, có phát ban hay không
– Các biểu hiện tại chỗ tiêm (sưng, đỏ…)
– Đối với trẻ em cần cho trẻ bú mẹ hoặc uống nước nhiều hơn. Bế và quan sát trẻ thường xuyên, chú ý không chạm, đè vào chỗ tiêm.
Người được tiêm chủng cần được đưa ngay đến cơ sở y tế để được theo dõi, điều trị nếu có dấu hiệu sau:
– Sốt trên 39 độ
– Co giật hay mệt lả, gọi hỏi không đáp ứng.
– Tím tái, khó thở.
– Trẻ quấy khóc, khóc thét kéo dài trên 3 giờ.
– Trẻ bú kém, phát ban cùng các phản ứng thông thường kéo dài trên một ngày. Hướng dẫn xử trí các phản ứng thông thường sau tiêm chủng.
Nguyên tắc
– Theo dõi sát các biểu hiện sau tiêm chủng.
– Nghỉ ngơi, nâng cao thể trạng, điều trị các triệu chứng theo hướng dẫn của cán bộ y tế.
Một số phản ứng thông thường sau tiêm chủng và các biện pháp chăm sóc, điều trị cụ thể.
– Sau tiêm chủng trẻ có thể có một số phản ứng thông thường như sốt nhẹ (dưới 38,5 độ), đau hoặc sưng tấy nhẹ tại chỗ tiêm, đối với trẻ em có thể quấy khóc…Lưu ý không chạm, đè vào chỗ tiêm, không đắp bất cứ thứ gì lên vị trí tiêm vì có thể gây nhiễm trùng. Nếu bị sốt, hãy cặp nhiệt độ và theo dõi, dung thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
– Sốt nhẹ (dưới 38,5 độ): uống nhiều nước, tiếp tục ăn uống bình thường, nằm chỗ thoáng. Một số trường hợp có bệnh lý về tim mạch, viêm phổi hoặc trẻ có tiền sử sốt cao so giật có thể dung thuốc hạ sốt khi thân nhiệt trên 38 độ.
– Phản ứng tại chỗ gồm các triệu chứng đỏ và hoặc sưng tại chỗ tiêm và có thể có một hoặc một vài triệu chứng sau: sưng tới tận khớp xương gần chỗ tiêm nhất, đau, đỏ và sưng trên 3 ngày. Thường tự khỏi trong vòng vài ngày đến 1 tuần. Điều trị triệu chứng với các thuốc giảm đau theo chỉ định.
– Đau khớp kể cả khớp nhỏ ngoại vi dai dẳng (trên 10 ngày) hoặc thoáng qua. Có thể tự khỏi, một số trường hợp cần dung thuốc giảm đau theo chỉ định của cán bộ y tế.
– Nhiễm khuẩn BCG lan tỏa trên diện rộng xảy ra trong vòng 1 đến 12 tháng sau tiêm BCG và được chẩn đoán xác định bằng cách phân lập vi khuẩn lao. Thông thường xảy ra ở người suy giảm miễn dịch, cần đưa đến cơ sở y tế điều trị bằng thuốc chống lao.
– Hội chứng não, màng não cấp tính với đặc điểm có 2 trong 3 triệu chứng sau: những cơn kịch phát, ý thức rối loạn kéo dài 1 đến nhiều ngày và hành vi thay đổi rõ rệt kéo dài 1 đến nhiều ngày cần đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị.
– Giảm trương lực phản xạ, choáng xảy ra trong vòng 48 giờ sau khi tiêm chủng kéo dài từ 1 phút đến nhiều giờ ở trẻ em dưới 10 tuổi với biểu hiện mệt lả, giảm đáp ứng thường thoáng qua và tự khỏi không cần điều trị. Trường hợp xuất hiện tái xanh hay tím ngắt hoặc bất tỉnh cần được đưa đến cơ sở y tế để theo dõi và điều trị tích cực như phản vệ.
– Viêm hạch bạch huyết kể cả viêm hạch bạch huyết có mủ với biểu hiện có 1 hạch lympho sưng to>1,5cm hoặc có 1 hốc dò rỉ trên 1 hạch lympho. Xảy ra trong vòng 2 – 6 tháng sau khi tiêmvắc xin BCG, tại cùng một bên người với chỗ tiêm chủng. Thường tự lành không cần điều trị. Trường hợp tổn thương dính vào da và dò rỉ thì cần đưa đến cơ sở y tế để được phẫu thuật dẫn lưu và đắp thuốc chống lao tại chỗ.
– Bầm tím và hoặc chảy máu do giảm tiểu cầu thường là nhẹ và tự khỏi. Trường hợp nặng cần đưa đến cơ sở y tế để điều trị thuốc steroid và truyền khối tiểu cầu.