Trước khi bàn luận về quan điểm xử lý vụ án, thông qua các thông tin chính thống mà cơ quan tố tụng tỉnh Hòa Bình đã thu thập được, có thể tóm tắt vụ án cụ thể như sau: Ngày 20/04/2017 hệ thống nước lọc RO phục vụ chạy thận nhân tạo bị hỏng, anh Trần Văn Sơn – Cán bộ phòng Vật tư – Thiết bị Y tế (VT-TTBYT) Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình được phân công đến kiểm tra. Qua kiểm tra đã lập biên bản xác nhận tình trạng máy móc, thiết bị hư hỏng, làm căn cứ để tiến hành thay thế, sửa chữa. Cùng ngày khoa Hồi sức tích cực – Đơn nguyên Thận nhân tạo đã có phiếu đề xuất sửa chữa hệ thống nước RO số 2 do Y tá trưởng Nguyễn Thu Hằng và bác sỹ Hoàng Công Lương ký.Việc đề xuất sửa chữa như trên là phù hợp, những người thực hiện gồm cán bộ phòng kỹ thuật, BS Lương và các điều dưỡng đã thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ và phù hợp quy định của pháp luật.
Ngày 25/05/2017, BVĐK tỉnh Hòa Bình, đại diện là ông Trương Quý Dương – Giám đốc Bệnh viện ký hợp đồng số 315/BVĐK T_TS với Công ty Cổ phần dược phẩm Thiên Sơn do ông Đỗ Anh Tuấn là Giám đốc, trị giá hợp đồng 99.360.800đ với nội dung: Cung cấp vật tư, sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2 cho BVĐK tỉnh Hòa Bình. Cũng trong ngày 25/05/2017, Công ty Thiên Sơn lại kí hợp đồng với Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh do ông Bùi Mạnh Quốc làm Giám đốc để thực hiện nội dung hợp đồng số 315/BVĐK T_TS như đã nêu trên.
Ngày 28/05/2017 anh Bùi Mạnh Quốc đến BVĐK tỉnh Hòa Bình để thực hiện các nội dung sửa chữa thay thế theo hợp đồng đã kí kết. Anh Trần Văn Sơn cán bộ phòng VTTBYT BVĐK tỉnh Hòa Bình được giao nhiệm vụ Kiểm tra, giám sát quá trình thay thế, sửa chữa, bảo dưỡng máy móc. Sau khi kiểm tra số lượng chất lượng, mẫu mã vật tư theo hợp đồng, anh Sơn đi về nhà để cho Quốc tự thay thế, sửa chữa, bảo dưỡng. Đến khoảng 18h30p cùng ngày, Quốc gọi điện báo cho anh Sơn biết đã sửa chữa, bảo dưỡng xong. Anh Sơn gọi điện cho Điều dưỡng viên Đỗ Thị Điệp (Điều dưỡng trực ca tại Đơn nguyên chạy thận nhân tạo thời điểm đó) nói là hệ thống nước đã sửa chữa xong, đề nghị chị Điệp khóa cửa phòng xử lý nước. Chị Điệp lại gọi điện nhờ Điều dưỡng Phạm Danh Quang đến khóa cửa.
Khoảng 7h ngày 29/05/2017 chị Đỗ Thị Điệp thông báo cho tất cả mọi người tại Đơn nguyên thận nhân tạo, trong đó có bác sỹ Hoàng Công Lương về việc Phòng VT-TTBYT thông báo đã sửa chữa, bảo dưỡng xong hệ thống nước RO số 2 và có thể hoạt động bình thường. Sau đó bác sỹ Hoàng Công Lương là người được trưởng khoa Hồi sức tích cực (HSTC) giao phụ trách Đơn nguyên thận nhân tạo tiến hành hội ý phân công hai bác sỹ khác và các điều dưỡng tiến hành theo quy trình, thực hiện chạy thận nhân tạo cho 18 bệnh nhân trong khoa.
Khoảng 7h30p anh Bùi Mạnh Quốc vào khoa HSTC, thấy máy chạy thận nhân tạo đã hoạt động, Quốc điện cho Sơn, Sơn đến nhưng cũng không cảnh báo hoặc ngăn chặn mặc dù cả hai đều biết rõ: Hệ thống nước RO mới bảo dưỡng, sửa chữa, chưa lấy mẫu nước đi xét nghiệm. Đến khoảng 8h20’ ngày 29/05 tất cả 18 bệnh nhân đang điều trị lọc máu đều có biểu hiện nôn, chóng mặt, buồn đi ngoài… và phải cấp cứu nhưng sau đó 08 người đã tử vong. Đây là một thảm họa y tế gây ra những tổn thất rất nặng nề về tính mạng, sức khỏe con người, về tài sản và danh dự uy tín của cơ sở khám chữa bệnh cũng như đội ngũ nhân viên y tế.
Các cơ quan bảo vệ pháp luật đã vào cuộc và sự thật phần nào được làm rõ. Theo chúng tôi, việc khởi tố truy tố đối với Bùi Mạnh Quốc (tội vô ý làm chết người) và Trần Văn Sơn (tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng) là cần thiết, đúng pháp luật vì hành vi của họ đã gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, cần phải có hình phạt nghiêm khắc. Nhưng với bác sỹ Hoàng Công Lương bị buộc tội “thiếu trách nhiệm…” cùng một tội danh với Trần Văn Sơn là không thỏa đáng, không có căn cứ pháp luật, bởi các lí do sau đây:
1) Theo kết quả giám định pháp y tử thi, nguyên nhân tử vong của các nạn nhân là do ngộ độc Florua – suy thận mạn. Trong quá trình lau chùi hai màng lọc cũ, thay hai màng lọc mới, sục rửa các cột lọc… Bùi Mạnh Quốc đã dùng hai loại axit: Flohydric và clohydric (là hai loại hóa chất không nằm trong danh mục hóa chất được phép dùng trong y tế) nhưng quá trình tẩy rửa cẩu thả, khi làm xong không lấy mẫu nước xét nghiệm mà tiến hành bàn giao ngay cho đơn vị sử dụng (Quốc gọi điện cho Sơn thông báo đã bảo dưỡng sửa chữa xong, yêu cầu khóa cửa phòng xử lý nước); trong khi quy định của Bộ y tế là: “Sau khi sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2, để đảm bảo chất lượng trước khi đưa vào sử dụng chạy thận nhân tạo cho người bệnh nhất thiết phải làm xét nghiệm để kiểm tra xem chất lượng nước có phù hợp với tiêu chuẩn AAMI hay không. Việc xét nghiệm tồn dư hóa chất khi tiệt trùng, lọc nước, xúc rửa hệ thông lọc nước RO là bắt buộc, đồng thời, khuyến cáo việc xét nghiệm thêm vi khuẩn và độc tố Endotoxin. Việc xét nghiệm bắt buộc có tồn dư hóa chất tẩy rửa hay không và xét nghiệm xem còn có vi khuẩn và độc tố Endotoxin sau khi sửa chữa, bảo dưỡng thay thế là trách nhiệm của cơ sở bảo dưỡng trước khi bàn giao cho Bệnh viện sử dụng.”
Việc theo dõi, giám sát quá trình bảo dưỡng, sửa chữa thay thế thiết bị lọc nước RO thuộc trách nhiệm của Kỹ thuật viên Trần Văn Sơn (anh Sơn được đào tạo 3 năm và đã tốt nghiệm Trường Cao đẳng y tế kỹ thuật và trang thiết bị y tế) nhưng anh Sơn đã không thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ của mình (không giám sát, không nghiệm thu trực tiếp) để tồn dư một lượng lớn các chất độc trong hệ thống lọc nước RO, là nguyên nhân gây ra cái chết của 8 nạn nhân; những sai sót này xảy ra ở giai đoạn trước (sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế thiết bị), bác sỹ Hoàng Công Lương là bác sỹ điều trị ở giai đoạn sau (lọc máu bằng thiết bị thận nhân tạo) không thể biết và không buộc phải biết các sai sót này; quá trình điều trị (lọc máu) cho 18 bệnh nhân tại Đơn nguyên thận nhân tạo sáng ngày 29/05/2017 bác sỹ Hoàng Công Lương đã thực hiện đúng “Quy trình lọc máu” theo quy định của Bộ Y tế (như: thăm khám lại bệnh nhân, xác định các chỉ số sinh tồn, lựa chọn quả lọc, đối chiếu tên bệnh nhân, bơm thuốc chống đông, sát khuẩn.v..v) do đó không thể quy kết bác sỹ Hoàng Công Lương là “thiếu trách nhiệm” trong trường hợp cụ thể này.
2) Khám chữa bệnh là một chu trình liên tục, có liên quan đến nhiều giai đoạn, nhiều người (bác sỹ khám bệnh, bác sỹ điều trị, bác sỹ chẩn đoán CLS, dược sỹ, cung ứng vật tư, thuốc chữa bệnh…) mỗi giai đoạn, mỗi người mang tính độc lập tương đối và chịu trách nhiệm cá nhân về các quyết định, hành vi của mình. Khi xảy ra các tai biến, rủi ro hoặc sai sót chuyên môn kỹ thuật cần phải làm rõ: người đó có sai sót không?

Trong bản cáo trạng số 05/CT-VKS-P2 ngày 22/02/2018 VKSND tỉnh Hòa Bình kết luận: “ Bị cáo Hoàng Công Lương là người được đào tạo kỹ thuật lọc máu cơ bản, biết rõ việc sửa chữa; khử trùng hệ thống nước RO số 2 ngày 28/05/2017, do đó với trình độ, nhận thức và vai trò trách nhiệm được giao, bị can Hoàng Công Lương buộc phải biết rõ quy định nước sử dụng trong lọc máu phải đảm bảo chất lượng theo quy định…”. Kết luận như vậy là không có cơ sở, vì theo quy định tại điều 73; điều 74 và điều 75 Luật khám, chữa bệnh thì: khi xảy ra các tai biến, rủi ro trong khám chữa bệnh (trong trường hợp này là thảm họa y tế) phải tiến hành thành lập Hội đồng chuyên môn để xác định: Ai là người có sai sót chuyên môn kỹ thuật dẫn đến hậu quả tác hại; trong trường hợp vụ việc được giải quyết theo trình tự thủ tục tố tụng hình sự thì Cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu Cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế thành lập Hội đồng chuyên môn để xác định có hay không có sai sót chuyên môn kỹ thuật, làm căn cứ để Cơ quan tiến hành tố tụng xác định trách nhiệm hình sự. Hội đồng chuyên môn hoạt động theo nguyên tác thảo luận tập thể, biểu quyết theo đa số và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận của mình. Trong bản cáo trạng nêu trên không đề cập đến ý kiến của Hội đồng chuyên môn, do đó các suy đoán, quy kết ngoài chuyên môn không có giá trị kết tội.
Ngoài ra, trong vụ án này còn một số tình tiết chưa được làm rõ:
- Ông Trương Quý Dương-Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình là người trực tiếp ký kết hợp đồng số 315/BVĐK T-TS với Công ty CPDP Thiên Sơn trị giá 99.360.800đ ngày 25/07/2017 nhưng cũng trong ngày 25/07/2017 Công ty Thiên Sơn lại ký hợp đồng số 05/2017/TS/TA với Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh; thực chất là chuyển nhượng lại hợp đồng 315/BVĐK T-TS với giá trị rẻ hơn (70.257.000đ). Ông Trương Quý Dương có “Thiếu trách nhiệm” không trong việc tùy tiện thay đổi, lựa chọn nhà thầu thi công một công trình có liên quan đến phương tiện , thiết bị chuyên dùng trong lĩnh vực y tế?” Thực tế đã xảy ra là: do thiếu kiến thức, năng lực và kinh nghiệm thi công các công trình chuyên dụng nên Công ty Trâm Anh đã bỏ qua hàng loạt quy trình quy phạm kỹ thuật, dẫn đến thảm họa y tế này.
Trong cáo trạng chưa đề cập hay chưa được làm rõ: Công ty Thiên Sơn có chức năng và các điều kiện cần thiết (Giấy phép, chứng chỉ hành nghề…) về việc sửa chữa trang thiết bị y tế hay không? Trong hợp đồng có điều khoản nào giàng buộc hoặc chi phối, cho phép hay không cho phép Thiên Sơn ủy thác cho đơn vị thứ ba hay không? Theo chúng tôi được biết công ty Trâm anh do Bùi Mạnh Quốc làm giám đốc không có chức năng và không đăng ký ngành nghề liên quan đến sửa chữa trang thiết bị y tế và như vậy Trậm Anh không đủ điều kiện và không được phép thực hiện công việc sửa chữa hệ thống máy RO tại BVĐK Hòa bình, và như cáo trạng kết luận: Nguyên nhân dẫn đến cái chết của cả 8 bệnh nhân là do lượng hóa chất tồn dư trong hệ thống máy lọc nước RO, các loại hóa chất này không được phép sử dụng trong y tế…?
Theo quan điểm của chúng tôi trong quá trình giải quyết vụ án cơ quan tố tụng tỉnh Hòa bình đã có dấu hiệu bỏ lọt hành vi của ông Đỗ Anh Tuấn, bởi lẽ ông Đỗ Anh Tuấn đã cho phép một đơn vị không có kiến thức, không đủ điều kiện thực hiện một công việc thuộc nhóm: “hành nghề có điều kiện” đó là Bùi mạnh Quốc GĐ Công ty Trâm Anh một công ty không đủ điều kiện hoạt động trong lĩnh vực y tế và đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng của vụ án, hành vi của Đỗ Anh Tuấn đã có dấu hiệu cấu thành tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh quy định tại điều 315 BLHS . Bùi Mạnh Quốc bị truy tố là đúng người đúng tội nhưng những người cho phép Quốc vào bệnh viện và can thiệp một cách trái phép vào hệ thống máy móc thiết bị y tế gồm ông GĐBV Hòa Bình và Đỗ Anh Tuấn không thể là người ngoài cuộc được.
Với những nhận xét và lập luận nêu trên, căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành chúng tôi đề nghị:
1. Việc làm của bác sỹ Hoàng Công Lương khi thực hiện chức trách nhiệm vụ tại đơn nguyên thận nhân tạo là hoàn toàn đúng quy trình, BS Lương không thể biết và cũng không buộc phải biết trong hệ thống máy RO có độc tố nguy hiểm. Việc BS Lương chưa báo cáo trưởng khoa không liên quan gì đến hậu quả của vụ án vì trưởng khoa cũng là bác sỹ, họ cũng như BS Lương không thể biết nguy hiểm đang nằm trong hệ thống máy do một đơn vị không đủ điều kiện can thiệp, vì vậy nếu BS lương có báo cáo trưởng khoa thì hậu quả nghiêm trọng chắc chắn vẫn xảy ra.
Hành vi của BS Lương không cấu thành bất cứ một tội phạm nào, việc bắt tạm giam, khởi tố và truy tố đối với BS Lương là oan sai và cần phải được đình chỉ ngay Trước khi đưa vụ án ra xét xử hoặc tuyên bố BS Lương không phạm tội Tại phiên tòa. BS Lương cần được khôi phục các quyền và lợi ích hợp pháp bị hạn chế trong suốt hơn một năm qua và phải được bồi thường các thiệt hại do bị oan sai theo quy định của pháp luật.
2. Các cơ quan tố tụng tỉnh Hòa Bình cần xem xét trách nhiệm hình sự đối với người đứng đầu BVĐK tỉnh hòa Bình và GĐ công ty Thiên Sơn Đỗ Anh Tuấn về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và vi phạm các quy định về khám bệnh chữa bệnh như đã phân tích ở trên.
Cộng đồng những người đang sống và làm việc trong ngành y rất mong muốn và hy vọng phiên toà sẽ diễn ra một cách công tâm, khách quan; thượng tôn pháp luật, tôn trọng sự thật, tôn trọng chứng cứ, tôn trọng quyền con người; xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội và không gây oan sai cho người vô tội. Hay nói cách khác, BS Hoàng Công Lương và chúng tôi mong muốn công lý sẽ được thực thi tại phiên toà sắp tới. Một phiên toà mở đúng nghĩa cho BS Hoàng Công Lương.
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả*
Bệnh viện đa khoa Hùng Vương – Phú Thọ