Kỹ thuật “chế ngự” biến chứng chảy máu não thất

- 33 lượt xem - Tin tức

LTS: Bệnh viện Bạch Mai là nơi đầu tiên ứng dụng thành công kỹ thuật tiêu sợi huyết trong điều trị chảy máu não thất biến chứng giãn não thất cấp. Kỹ thuật  đang được các bác sĩ Khoa Cấp cứu A9 đưa vào áp dụng thường quy giúp bệnh nhân hồi phục sức khỏe gần như tương đương trước khi bị đột quỵ. Phóng viên Trúc Giang có bài giới thiệu về kỹ thuật này.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

“Ưu điểm là khi bơm thuốc vào trong não thất, sẽ làm cho máu loãng ra, tan ra không đông lại, làm cho dẫn lưu không bị tắc, giúp cho dẫn lưu máu trong não thất ra ngoài, làm giảm giãn não thất, giảm áp lực nội sọ. Giảm áp lực nội sọ, giúp các tế bào thần kinh còn tốt, lành sẽ không bị chèn ép, sẽ hồi phục nhanh chóng hơn, rút được dẫn lưu não thất nhanh hơn, hạn chế được nguy cơ nhiễm trùng, tình trạng bệnh nhân hồi phục nhanh hơn” – Đó là nhận định của ThS. BS. Lương Quốc Chính, Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai khi nói về kỹ thuật tiêu sợi huyết trong điều trị chảy máu não thất biến chứng giãn não thất cấp.

Bác sĩ Chính (bên phải) đang thực hiện sát trùng chuẩn bị cho một ca mổ.

Kỹ thuật này đã khắc phục được những nhược điểm của các kỹ thuật khác, giúp cải thiện được chất lượng điều trị, cải thiện được ý thức bệnh nhân, giúp bệnh nhân nhanh chóng phục hồi. Đặc biệt, góp phần tránh được nguy cơ bị liệt do di chứng.

Ca bệnh của ông Nguyễn Đình Kính là một điển hình. Theo đó, năm 2012, bệnh nhân Nguyễn Đình Kính (66 tuổi, quê ở Thái Nguyên) nhập viện Bạch Mai trong tình trạng nguy kịch. Trước đó 4 ngày, bệnh nhân đột ngột đau đầu, phải vào  cấp cứu  tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Nguyên và được phát hiện chảy máu não thất. Sau 3 ngày điều trị, tình trạng bệnh nhân xấu đi, chảy máu não thất nhiều hơn, giãn não thất cấp,  và rơi vào trạng thái hôn mê sâu. Bệnh nhân được chuyển tuyến lên Bệnh viện Bạch Mai.

Các bác sĩ Khoa Cấp cứu A9 của Bệnh viện Bạch Mai đã tiến hành mổ cấp cứu dẫn lưu não thất ra ngoài. Sau 6 giờ mổ dẫn lưu, bệnh nhân được điều trị tiêu sợi huyết não thất bằng thuốc Alteplase với liều lượng phù hợp, cách nhau 8 giờ/lần điều trị. Sau 1 tuần thì bệnh nhân được rút dẫn lưu não thất và hoàn toàn tỉnh táo, không để lại di chứng liệt. Tình trạng sức khỏe ổn định nên bệnh nhân được chuyển về tuyến dưới điều trị. Một tháng sau tái khám, sức khỏe bệnh nhân ổn định và có thể đi lại gần như bình thường.

Chia sẻ niềm vui mừng vì bố khỏi bệnh hơn 2 năm nay, anh Nguyễn Mạnh Hảo, con trai của bệnh nhân Kính cho biết: “Hai năm trước, bố tôi bị tai biến và nhập viện tại Bạch Mai, được bác sĩ Chính và e-kip đã sử dụng kỹ thuật mới để điều trị bệnh cho bố tôi. Từ khi mổ đến nay, sức khỏe của bố tôi ổn định gần như bình thường, và vẫn rất minh mẫn”.

Anh Hảo nhấn mạnh, nhờ có kỹ thuật tiên tiến này mà bố anh thoát khỏi nguy cơ bị liệt. Thực tế, tình trạng chảy máu não não chiếm 10 đến 15% trong tổng số khoảng 2 triệu trường hợp đột quỵ mỗi năm trên toàn thế giới. Biến chứng chảy máu não thất chiếm khoảng 40% và làm tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do giãn não thất, tăng áp lực nội sọ…. Tỷ lệ tử vong trong 30 ngày liên quan tới chảy máu não thất chiếm từ 40  đến 80%.

Đến nay, hơn 40 bệnh nhân đã được áp dụng kỹ thuật mới và cho kết quả rất khả quan. Bệnh nhân gần như phục hồi hoàn toàn, có thể trở lại hoạt động và lao động như trước khi bị chảy máu não. 

Từ thực tế đó, Khoa cấp cứu A9 đã và đang đào tạo và chuyển giao kỹ thuật mổ này cho các y bác sĩ cấp cứu ở tuyến dưới. Đây sẽ là tiền đề cho bước tiếp theo là đào tạo và chuyển giao kỹ thuật tiêu sợi huyết trong điều trị chảy máu não thất có giãn não thất cấp, giúp cho các bác sĩ có thêm một biện pháp mới và hiệu quả trong điều trị chảy máu não thất có biến chứng.

Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Chính cho biết, sau các chuyến công tác và học tập ở nước ngoài, các y bác sĩ đã đưa kỹ thuật này về nghiên cứu và áp dụng tại Khoa cấp cứu A9 của Bệnh viện Bạch Mai. Hiện tại, bác sĩ Chính và các cộng sự tiếp tục nghiên cứu nâng cao đề tài, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm tỷ lệ tử vong các ca điều trị bệnh. Đây cũng là công trình khoa học đầu tiên, nghiên cứu về kỹ thuật tiêu sợi huyết trong điều trị chảy máu não thất tại Việt Nam.

Back To Top